Một sự kiện được nhiều người quan tâm là mới đây, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên từ Ngân hàng Thế giới (WB) do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Với một quốc gia nhiều tiềm năng về rừng như nước ta, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu... mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực thông qua thị trường tín chỉ carbon.
Nguồn thu tiềm năng
Một tín chỉ carbon là một tấn khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác quy đổi thành một tấn CO2. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, phấn đấu đưa phát thải ròng bằng 0 thì thị trường tín chỉ carbon ra đời như một tất yếu. Có thể hiểu đơn giản thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.
Ở đó, các quốc gia, các chủ rừng quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, tính toán ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này cho các quốc gia, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải khí nhà kính. Nếu lượng phát thải khí nhà kính của một cơ sở bằng với số tín chỉ carbon mua được thì có thể coi phát thải ròng của cơ sở này sẽ bằng 0.
Tại Việt Nam, vào tháng 2-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu héc-ta đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).
Với tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng (tương đương 10,3 triệu tín chỉ carbon) cho WB với đơn giá 5USD/tấn, tổng trị giá là 51,5 triệu USD. Vừa qua, WB đã chuyển cho Việt Nam hơn 41 triệu USD, tương đương 80% tổng kinh phí. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một nguồn tài chính lớn, đồng thời góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.
Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu héc-ta, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%. Theo PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, tín hiệu đáng mừng là trữ lượng hấp thụ carbon rừng của Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng so với giai đoạn trước mà còn tăng vượt trội so với mức phát thải trong lâm nghiệp.
Cụ thể, giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải trung bình trong lâm nghiệp là 30,6 triệu tấn CO2 nhưng lượng hấp thụ trung bình đạt khoảng 69,9 triệu tấn (phát thải âm 39,3 triệu tấn CO2). Lượng carbon rừng hằng năm dành cho chuyển nhượng có thể lên đến hàng chục triệu tấn (hàng chục triệu tín chỉ), nếu chuyển nhượng thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được phân bổ về các địa phương theo diện tích rừng, lượng giảm phát thải...
Như vậy, các chủ rừng ngoài được hưởng lợi từ lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng... như hiện nay, sẽ có thêm một nguồn tài chính không nhỏ từ chuyển nhượng tín chỉ carbon. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống chủ rừng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt hơn công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng thị trường tín chỉ carbon từ năm 2012, được cụ thể hóa qua nhiều luật như: Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... Ngày 7-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó nêu rõ sẽ triển khai thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Trước hết, nội dung quản lý nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến carbon rừng chưa được công bố về tổng trữ lượng, tăng giảm trong các kỳ tổng điều tra rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến rừng hằng năm.
Mặt khác, carbon rừng hiện cũng chưa rõ có được coi là một loại lâm sản hay không? Theo PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi, để carbon rừng trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác, tại khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp cần được bổ sung thêm quy định: “Carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản”. Khi đã được công nhận là một loại lâm sản thì những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng carbon rừng cần được quy định chi tiết tại các điều trong Luật Lâm nghiệp và những văn bản dưới luật.
Cùng với đó, vấn đề quyền sở hữu carbon rừng cũng cần quy định cụ thể. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp cần bổ sung một điều quy định các nội dung này. Cụ thể như: Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho các tổ chức của Nhà nước thì thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho các tổ chức ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì những chủ thể này là chủ sở hữu những tín chỉ carbon tăng thêm do thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; tín chỉ carbon đã có trước khi giao rừng thì thuộc sở hữu Nhà nước.
Tín chỉ carbon của rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng tự đầu tư thì thuộc về sở hữu của chủ rừng... Một vấn đề nữa là carbon rừng chỉ trở thành hàng hóa khi được xác nhận là tín chỉ, điều này phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ. Đây là một quá trình đặc thù, nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi Việt Nam chưa có các quy định hoặc có nhưng chưa phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế...
“Những vướng mắc, bất cập trên cần sớm được khắc phục để hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa thị trường tín chỉ carbon vận hành theo kế hoạch”, PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi nhấn mạnh.
Nguồn: QDND.VN