Quy định về đất cho trồng rừng mới đáp ứng tiêu chuẩn carbon rừng
Nội dung này được cụ thể hóa tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về các biện pháp lâm sinh. Theo đó, Khoản 1, Điều 9 quy định đất chưa có rừng để trồng mới rừng đặc dụng bao gồm: đất trống; đất có thực bì là cỏ thưa, lau lách; đất có cây bụi, cây gỗ rải rác, cây tái sinh mục đích; Khoản 2, Điều 9 quy định đất chưa có rừng để trồng mới rừng phòng hộ gồm: đất trống; đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách; đất có cây bụi, cây gỗ rải rác, cây tái sinh mục đích không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; Khoản 3, Điều 9 quy định đất chưa có rừng để trồng mới rừng sản xuất gồm: diện tích đất chưa có rừng là đất trống hoặc đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách; diện tích đất chưa có rừng, thực bì là cây bụi, cây gỗ rải rác và cây gỗ tái sinh mục đích, không có khả năng phục hồi thành rừng có giá trị kinh tế.
Trồng mới các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở các loại đất được quy định nêu trên phù hợp với các dự án chuyển nhượng carbon rừng cho thị trường bắt buộc cũng như các tiêu chuẩn VCS, ART/TREES, GS, CCB cho thị trường tự nguyện. Do quy định các loại đất để trồng rừng ở Việt Nam có những điểm tương thích và những điểm không tương thích với từng tiêu chuẩn nên mỗi tiêu chuẩn lại có các quy định chi tiết cho từng loại đất như: mật độ cây rừng hiện có, thời gian đất chưa có rừng để đưa vào trồng rừng, ví dụ: tiêu chuẩn ART/TREES chỉ áp dụng cho rừng trồng trên đất trước đó 5 năm không có rừng kể từ khi phê duyệt dự án. Đây chính là những điểm mở trong quá trình đàm phán thỏa thuận.
Quy định về loại rừng cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đáp ứng tiêu chuẩn carbon rừng
Loại rừng cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung được quy định cụ thể tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT. Theo đó, Khoản 1 Điều 4 quy định diện tích đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh là “diện tích không đạt tiêu chí thành rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ có mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5m lớn hơn 500 cây/ha; núi đá có cây gỗ tái sinh nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng”; Khoản 1 Điều 5 quy định diện tích đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung là “diện tích không đạt tiêu chí thành rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ, cây bụi xen cây gỗ mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5 m từ 300 cây/ha đến dưới 500 cây/ha đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc từ 100 cây/ha đến dưới 500 cây/ha đối với rừng đặc dụng”.
Về biện pháp trồng bổ sung, Thông tư cũng quy định: “Đối với rừng đặc dụng là cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ là cây bản địa có phân bố trong khu vực hoặc từ những vùng sinh thái tương tự; đối với rừng sản xuất là cây bản địa có giá trị kinh tế, đáp ứng mục đích sản xuất, kinh doanh”.
Có thể nhận thấy loại rừng cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung được quy định tại Thông tư hoàn toàn phù hợp với các dự án chuyển nhượng carbon rừng cho thị trường carbon bắt buộc cũng như các tiêu chuẩn VCS, ART/TREES, PLAN VIVO, CCB cho thị trường carbon tự nguyện. Tuy nhiên, việc phân loại rừng có những điểm tương thích hoặc không tương thích với từng tiêu chuẩn nên mỗi tiêu chuẩn lại có các quy định chi tiết cho từng loại rừng. Đây cũng là những điểm mở trong quá trình đàm phán thỏa thuận.